Bát Nhã Tâm Kinh
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là một kiệt tác của triết lý Phật giáo Đại thừa, truyền tải những giáo lý sâu sắc nhất về tánh không và trí tuệ siêu việt. Mặc dù chỉ vỏn vẹn vài dòng, nhưng Tâm Kinh chứa đựng tinh túy về sự nhận thức rõ ràng bản chất của vạn vật, vượt qua mọi chấp ngã, giúp con người giác ngộ và giải thoát khỏi vòng luân hồi đau khổ.
Với sự cô đọng trong từng câu chữ, Tâm Kinh mở ra con đường giải thoát, đưa người tu tập đến trí tuệ Bát Nhã – sự thông suốt chân lý của vạn pháp.
Bát nhã tâm kinh chữ Hán Việt
Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.
Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức.Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.
Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.Vô khổ, tập, diệt, đạo.
Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố.
Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.
Tam thế chư Phật, y Bát nhã Ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.
Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
Dịch nghĩa Bát nhã tâm kinh sang tiếng Việt
Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.
Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.
Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.
Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức.
Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp.
Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.
Không có vô minh, mà cũng không có hết vô minh.
Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.
Không có khổ, tập, diệt, đạo.
Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.
Khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn.
Các vị Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.
Cho nên phải biết rằng Bát nhã Ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối.
Cho nên khi nói đến Bát nhã Ba la mật đa, tức là phải nói câu chú:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
(Qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi đó!)
Bản dịch Bát nhã tâm kinh của thầy Thích Nhất Hạnh
Bồ Tát Quán Tự Tại
Khi quán chiếu thâm sâu
Bát Nhã Ba La Mật (tức Diệu Pháp Trí Độ)
Bổng soi thấy năm uẩn
Đều không có tự tánh
Thực chứng điều ấy xong
Ngài vượt thoát tất cả
Mọi khổ đau ách nạn.
Nghe đây Xá Lợi Tử:
Sắc chẳng khác gì không
Không chẳng khác gì sắc
Sắc chính thực là không
Không chính thực là sắc
Còn lại bốn uẩn kia
Cũng đều như vậy cả.
Xá Lợi Tử nghe đây:
Thể mọi pháp đều không
Không sanh cũng không diệt
Không nhơ cũng không sạch
Không thêm cũng không bớt
Cho nên trong tánh không
Không có sắc, thọ, tưởng
Cũng không có hành thức
Không có nhãn, nhĩ, tỷ
Thiệt, thân, ý (sáu căn)
Không có sắc, thanh, hương
Vị, xúc, pháp (sáu trần)
Không có mười tám giới,
Từ nhãn đến ý thức
Không hề có vô minh
Không có hết vô minh
Cho đến không lão tử
Cũng không hết lão tử
Không khổ, tập, diệt, đạo
Không trí cũng không đắc
Vì không có sở đắc
Khi một vị Bồ Tát
Nương Diệu Pháp Trí Độ (Bát Nhã Ba La Mật)
Thì tâm không chướng ngại
Vì tâm không chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Xa lià mọi vọng tưởng
Xa lìa mọi điên đảo
Đạt Niết Bàn tuyệt đối
Chư Bụt trong ba đời
Y Diệu Pháp Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật
Nên đắc vô thượng giác
Vậy nên phải biết rằng
Bát Nhã Ba La Mật
Là linh chú đại thần
Là linh chú đại minh
Là linh chú vô thượng
Là linh chú tuyệt đỉnh
Là chân lý bất vọng
Có năng lực tiêu trừT
ất cả mọi khổ nạn
Cho nên tôi muốn thuyết
Câu thần chú Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật
Nói xong đức Bồ Tát
Liền đọc thần chú rằng:
Yết đế, Yết đế
Ba la Yết đế
Ba la Tăng yết đế
Bồ đề tát bà ha
Bản dịch Bát nhã tâm kinh của Hệ phái Khất Sĩ
Khi hành Bát Nhã Ba La
Ngài Quán Tự Tại soi ra tột cùng
Thấy ra năm uẩn đều Không
Bao nhiêu khổ ách khốn cùng độ qua
Nầy Xá Lợi Tử xét ra
Không là sắc đó, sắc là không đây
Sắc cùng không chẳng khác sai
Không cùng sắc vẫn sánh tài như nhau
Thọ, tưởng, hành, thức uẩn nào,
Cũng như sắc uẩn ,một màu không không
Nầy Xá Lợi Tử ghi lòng
Không không tướng ấy, đều không tướng hình
Không tăng giảm, không trược thanh
Cũng không diệt, cũng không sanh pháp đồng
Vậy nên trong cái chơn không
Vốn không năm uẩn, cũng không sáu trần
Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân
Vị, hương, xúc, pháp, cùng phần sắc, thinh
Từ không giới hạn mắt nhìn
Đến không ý thức, vô minh cũng đồng
Hết vô minh, cũng vẫn không
Hết già, hết chết, cũng không có gì
Không khổ, tập, diệt, đạo kia
Trí huệ chứng đắc cũng là không không
Sở thành, sở đắc bởi không
Các vì Bồ Tát nương tùng huệ năng
Tâm không còn chút ngại ngăn
Nên không còn chút băng khoăng sợ gì
Đảo điên mộng tưởng xa lìa
Niết Bàn mới đến bên kia bến bờ
Ba đời chư Phật sau, xưa
Đắc thành Chánh Giác cũng nhờ huệ năng
Trí huệ năng lực vô ngần
Đại Minh vô thượng, Đại Thần cao siêu
Trí huệ năng lực có nhiều
Thật là thần chú trừ tiêu não phiền
Trí huệ năng lực vô biên
Dẫn đường giải thoát qua bên giác ngàn
Liền theo lời chú thuyết rằng:
Độ tha giác ngộ khắp trần chúng sanh.
Yết đế, yết đế
Ba la yết đế
Ba la tăng yết đế
Bồ đề Tát bà ha.
Bát Nhã Tâm Kinh là kim chỉ nam dẫn dắt đến trí tuệ và sự giác ngộ. Với tinh túy về tánh không, kinh giúp giải thoát khỏi mọi khổ đau trong cuộc sống.